Viêm tiểu phế quản ở trẻ có thể gây tử vong
Viêm tiểu phế quản là căn bệnh phổ biến, dễ mắc phải, điều trị dễ dàng nhưng cũng dễ tái phát. Đặc biệt, căn bệnh này nếu biến chứng có thể khiến trẻ tử vong. Sau đây là những điều cần thiết cho bậc phụ huynh nếu gặp trường hợp viêm tiểu phế quản ở trẻ.
- Trẻ bị viêm hô hấp trên – cặn bệnh thường gặp khi trở mùa
- Tình trạng trẻ bị viêm đường hô hấp cấp ngày càng gia tăng
- Những dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh viêm phổi ở trẻ em
Viêm tiểu phế quản ở trẻ và nguyên nhân
Theo một số thống kê thì viêm tiểu phế quản chiếm đến 40% trong số những căn bệnh về hô hấp ở trẻ em tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Về nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do virus gây ra, virus hợp bào hô hấp (VRS) là tác nhân chính (chiếm 30-50%). Ngoài ra một số virus khác gây ra bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ là virus cúm và á cúm (25%) hoặc Adenovirus (10%).
Viêm tiểu phế quản là tên gọi của căn bệnh viêm nhiễm các phế quản có kích thước nhỏ dưới 2mm. Cũng như một số bộ phận khác trên cơ thể, phế quản được cấu tạo cơ trơn nên sẽ bị co thắt lại khi xuất hiện tình trạng viêm nhiễm. Viêm tiểu phế quản chỉ xảy ra với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và đặc biệt thường gặp ở trẻ 3-6 tháng tuổi. Khi viêm nhiễm, tiểu phế quản sẽ sưng vù, hẹp lại khiến trẻ bị khó thở, khò khè, nặng hơn có thể ngưng thở. Còn ở người lớn, khi nhiễm virus VRS thì chỉ dẫn đến triệu chứng ho thông thường và được xếp vào tình trạng nhẹ.
Viêm tiểu phế quản ở trẻ còn xuất hiện ở những đối tượng không được bú sữa mẹ trong giai đoạn sơ sinh. Những trẻ thường xuyên sống trong môi trường nhiều khói bụi, khói thuốc lá cũng có nguy cơ cao.
Những triệu chứng khi trẻ bị viêm tiểu phế quản
- Do một số căn bệnh khác cũng khiến trẻ khò khè, khó thở nên cần phải quan sát kỹ triệu chứng mới có thể kết luận tình trạng viêm tiểu phế quản ở trẻ.
- Thường thấy nhất là triệu chứng ho khi chớm bệnh, chảy nước mũi trong, trẻ có thể sốt nhẹ.
- Sau vài ngày, tình trạng ho trở nặng hơn, trẻ thở mạnh, rít từng hơi dài.
- Một số trường hợp nặng, bệnh diễn biến nhanh khiến trẻ tím tái vì nghẹt thở và thậm chí trẻ ngừng thở hẳn.
Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ nếu như không được phát hiện kịp thời, không điều trị dứt điểm thì có thể gây ra nhiều biến chứng khá nguy hiểm như: bệnh hay tái phát, trẻ thường xuyên khó thở, rối loạn chức năng hô hấp hay viêm tiểu phế quản lan tỏa. Trường hợp nặng hơn có thể là tràn khí màng phổi, co thắt phế quản dẫn đến tử vong. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy viêm tiểu phế quản ở trẻ có thể là tiền đề của bệnh hen.
Cách xử lý trường hợp viêm tiểu phế quản ở trẻ
Nếu trường hợp trẻ chưa nặng, trẻ chưa bị suy hô hấp thì bác sĩ sẽ hút thông đường thở, làm sạch đường hô hấp của trẻ. Đờm cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng nghẹt thở ở trẻ khi mắc căn bệnh này. Do đó phải hút đờm và kết hợp với thuốc giãn phế quản. Cho trẻ uống đủ nước để cơ thể có sức đề kháng.
Đối với trường hợp suy hô hấp nặng thì cần phải dùng phương pháp oxygen, thuốc giãn phế quản, truyền nước cho trẻ. Trường hợp sức khỏe của trẻ không tiến triển tốt được thì phải đặt nội khí quản và một số phương pháp hỗ trợ khác. Lưu ý rằng bác sĩ sẽ không sử dụng thuốc kháng sinh nếu chưa thật sự khẩn cấp.
Để phòng ngừa viêm tiểu phế quản ở trẻ em thì mẹ nên cho con bú đến 2 tuổi, đặc biệt là bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Điều chỉnh máy lạnh ở nhiệt độ tầm 28-29 độ là thích hợp. Tránh cho trẻ tiếp xúc với bụi bẩn, khói thuốc lá.
Đặc biệt chú ý với những trẻ mắc bệnh tim, phổi bẩm sinh vì có nguy cơ cao hơn những trẻ bình thường nên cha mẹ cần theo dõi sức khỏe trẻ liên tục. Khi trẻ có dấu hiệu ho và khó thở cần đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để có liệu trình điều trị phù hợp chứ không nên điều trị tự ý tại nhà.