Cha mẹ phải làm thế nào khi trẻ ho do sốt siêu vi?
Nhiều bậc phụ huyng khá lo lắng khi trẻ ho do sốt siêu vi nên dùng đủ mọi cách chữa trị, thậm chí là dùng kháng sinh. Tuy nhiên, bác sĩ lại khuyên rằng cần phải cân nhắc và thận trọng trong quá trình chữa trị chứng ho này.
- Những bệnh viêm họng không dùng kháng sinh ở trẻ em?
- Sai lầm khi hạ sốt cho trẻ có thể nguy hiểm đến tính mạng
Sốt siêu vi – bệnh dễ phát sinh thành dịch
Bệnh sốt siêu vi thường do siêu vì trùng gây ra và được xếp vào hàng bệnh cấp tính. Khi mắc bệnh, trẻ sẽ có những triệu chứng như sốt cao bất thường, quấy khóc, kèm theo chứng sổ mũi, phát ban, nổi hạch và đặc biệt là ho đờm.
Đây là bệnh cấp tính và thường sẽ tự khỏi sau 5 đến 7 ngày, một số trường hợp kéo dài hơn 10 ngày tùy vào cơ địa của trẻ.
Theo bác sĩ thì trong giai đoạn phát bệnh chỉ cần điều trị những triệu chứng của bệnh như hạ sốt, bù nước và có biện pháp gia tăng sức đề kháng cho trẻ.
Làm thế nào khi trẻ ho do sốt siêu vi
Những triệu chứng chảy nước mũi, ho đờm là tất yếu khi trẻ bị sốt siêu vi và cha mẹ có thể tự điều trị tại nhà. Chẳng hạn như có thể cho trẻ dùng siro giảm ho, giảm sổ mũi hoặc một số bài thuốc dân gian như chanh, tắc chưng đường phèn, tắc chưng mật ong,…
Tuy nhiên cũng cần lưu ý một điều rằng khi mắc bệnh sốt siêu vi thì cơ thể trẻ giảm sức đề kháng nên dễ dẫn đến bội nhiễm đường hô hấp. Ngoài những triệu chứng trên thì trẻ còn bị sưng họng, viêm amidan, sốt cao trên 39 độ C hoặc ho đờm liên tục.
Những trường hợp này phải đưa trẻ đi đến bác sĩ để chẩn đoán. Nếu do bội nhiễm vi khuẩn thì cần phải dùng kháng sinh phù hợp. Việc đó là của bác sĩ nên phụ huynh đừng tự ý mua kháng sinh. Sử dụng loại nào, liều lượng và cần lưu ý những gì sẽ được bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn cụ thể.
Dinh dưỡng cho trẻ ho do sốt siêu vi
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng hơn hết là bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ trong giai đoạn phát bệnh. Không riêng gì việc trẻ ho do sốt siêu vi mà những triệu chứng kèm theo khác cũng sẽ giảm nhanh chóng nếu sức đề kháng của trẻ mạnh. Phụ huynh nên cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, dễ nuốt, bổ sung đủ nước trong ngày và cho trẻ ăn thêm trái cây tươi trong khẩu phần hàng ngày. Với những trẻ còn bú mẹ thì hãy cho trẻ bú liên tục để bổ sung kháng thể cũng như tăng sức đề kháng.
Và để phòng chống việc bội nhiễm thì cần phải chú ý đến vấn đề vệ sinh cho trẻ. Tắm trẻ 2 lần trong ngày bằng nước ấm nhưng tắm trong phòng kín, hạn chế tắm ngoài trời hay trước đầu gió. Đều đặn nhỏ mắt, mũi trẻ với nước muối sinh lý để hạn chế viêm nhiễm lây lan.