Các mẹ đừng chủ quan khi con bị cúm
Bài viết khác: Những món mẹ CẤM được cho con ăn khi con đang bị ho, cảm cúm/ Bé 6 tháng bị sổ mũi phải làm sao/ Mẹo chữa cảm cúm cho bé cực hiệu nghiệm và đơn giản bằng thuốc nam
Cảm cúm là một bệnh lý do siêu vi trùng gây ra, có các biểu hiện như chảy nước mũi, nghẹt mũi, kèm với các triệu chứng toàn thân và các triệu chứng khác như đau cơ và sốt (có thể không có hoặc biểu hiện nhẹ).
Chị Ngọc Hóa (Ngọc Thụy – Long Biên) thấy con gái hơn 2 tuổi có biểu hiện nóng đầu, ho, bị sốt trên 39.5 độ C. Mình nghĩ cháu chỉ bị cảm lạnh thông thường, mấy ngày là khỏi. Nhưng càng ngày cháu chảy nước mũi càng nhiều, sốt li bì, cho uống thuốc nhưng không thấy đỡ. Sợ quá mình cho cháu đến viện khám, bác sĩ cho biết cháu bị nhiễm vi rút cúm, may người nhà đưa đi khám sớm, chứ bệnh cúm không được điều trị kịp thời rất dễ gây ra biến chứng nguy hiểm.
Có mặt tại khoa nhi bệnh viện Xanh Pôn mới thấy trẻ đến đây nhập viện do bị cúm khá nhiều. Chị Thanh Huyền (Ba Đình – Hà Nội) cho biết: thời tiết năm nay sợ quá, người lớn còn ốm chứ nói gì trẻ.
Cảm cúm ở trẻ em – căn bệnh không thể lơ là
Theo bác sĩ Vũ Vân Anh chuyên khoa nhi Truyền thông – Sở Y tế Hà Nội. Khi thời tiết có những thay đổi bất thường, nhất là qua những đợt rét đậm kéo dài vừa qua càng làm cho các vi rút cúm phát triển mạnh. Trẻ em thường có sức đề kháng kém nên rất dễ bị mắc bệnh cảm cúm với các biểu hiện viêm đường hô hấp trên, viêm mũi, viêm họng, viêm thanh quản, khí phế quản. Triệu chứng khi trẻ bị cúm là nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, nóng sốt, đau họng và ho, kèm theo buồn nôn, kéo dài khoảng 2 tuần… Các triệu chứng lâm sàng của bệnh cúm thường xuất hiện 1-3 ngày sau nhiễm virút.
Bệnh cúm lây truyền qua đường hô hấp nên khả năng lây lan rất nhanh, mạnh và khó kiểm soát, đặc biệt là tại các môi trường sinh hoạt tập thể như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học thì bệnh được phát tán rất nhanh. Nên chỉ cần một em bị bệnh cúm thì có thể lây sang các em khác rất nhanh…
Theo bác sĩ Vân Anh, trẻ em là một những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh và dễ bị các biến chứng liên quan đến cúm. Tỷ lệ trẻ nhập viện do bệnh cúm cao nhất là ở trẻ em dưới 2 tuổi. Khi trẻ bị cúm cần phải được điều trị sớm, có thể điều trị tại nhà nhưng dưới sự chỉ định, tư vấn của bác sĩ. Nếu trẻ bị sốt có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt, súc miệng bằng nước muối, nhỏ mũi bằng dung dịch natriclorid 0,9% tăng cường cho uống nước nhất các nước điện giải oresol để trẻ không bị mất nước.
Tuy nhiên nếu thấy bệnh của trẻ không có biểu hiện đỡ mà ngày càng nặng thì phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được khám và điều trị.
Đối với những trẻ bị bệnh cúm bố mẹ phải đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho như ăn các loại thực phẩm dễ tiêu, tránh các món có nhiều dầu mỡ. Nên dùng thức ăn có nhiều khoáng chất và vitamin để tăng sức đề kháng như các loại súp, trái cây, rau quả… chia bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày và ăn các loại thức ăn lỏng. Đặc biệt, không tự ý dùng kháng sinh cho trẻ mà không có chỉ định của bác sĩ.
Bệnh cúm ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời, để nặng dễ dẫn tới những biến chứng như: viêm phổi tiên phát và thứ phát, trong đó viêm phổi tiên phát là nặng nhất với triệu chứng khó thở, thở gấp, tím tái, khạc đờm có khi lẫn máu, nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp, suy tuần hoàn rồi tử vong; viêm tai; suy hô hấp do phù phổi cấp tính…
Để trẻ không bị cúm các mẹ cần giữ ấm cho trẻ, tuyệt đối không để trẻ bị lạnh, giữ vệ sinh sạch sẽ thân thể cho con. Nhiều mẹ nghĩ con đang bị cúm thì không nên tắm cho con, nhưng nếu để trẻ bị ngứa ngáy càng làm cho bệnh cúm lâu khỏi. Vì vậy chúng ta khi chăm sóc trẻ bị cúm phải dùng nước ấm lau người cho trẻ nếu như bé quá mệt không tắm được.
Cảm cúm rất dễ lây và lấy qua đường hô hấp nên không cho trẻ đến gần những người mắc bệnh cúm. Nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
Theo Pháp Luật Xã Hội