Nhiễm độc chì ở trẻ nhỏ – Tác Hại và Cách phòng tránh
Gần đây, tình trạng nhiễm độc chì ở trẻ đang ngày càng có chiều hướng gia tăng cùng với thực phẩm, nước giải khát có chứa chì đang ngày càng nhiều. Chì là một kim loại độc với nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ của trẻ em khi mà mức độ hấp thụ chì của trẻ nhanh và cao gấp 3 – 4 lần người lớn.
Chì ảnh hưởng thế nào đến cơ thể trẻ em?
Khi vào cơ thể, chì tích tụ trong mô mềm, răng, xương, gây tổn thương cho hệ thần kinh và não. Khi trẻ bị phơi nhiễm chì sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ quan sau:
– Não: Khi bị phơi nhiễm chì sẽ dẫn đén việc giảm chỉ số IQ, mắc chứng ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý), mất thính giác và tổn thương các dây thần kinh. Thể ngộ độc chì cấp tính có thể gây co giật, mất khả năng vận động, hôn mê, dễ kích ứng và tử vong.
– Hormone: Chì cản trở quá trình chuyển hóa vitamin D, suy giảm phân bào, hạn chế sự phát triển của xương, răng.
– Dạ dày: Phơi nhiễm chì có thể tạo ra các cơn đau dạ dày dữ dội
– Tim mạch: Chì làm ức chế tạo hemoglobin dẫn đến thiếu máu. Giảm sự tiếp nhận oxy của các cơ quan, gây khó thở, tim đập nhanh, huyết áp cao, mệt mỏi,…
– Thận: Phơi nhiễm chì gây ra tình trạng viêm thận mãn tính, suy thận, và dẫn đến một số triệu chứng như: đi tiểu ra máu, buồn nôn, sốt cao, rối loạn thành phần nước tiểu.
– Xương, răng: Cản trở sự phát triển dài ra của xương, ức chế mọc răng, thoái hóa sụn xương, gây ra tình trạng mủn xương.
– Hệ sinh sản: Chì làm rối loạn sự phát triển tinh hoàn ở trẻ, có thể gây các bệnh về sinh sản như vô sinh, hiếm muộn, có con nhưng mang những dị tật bẩm sinh,…
Làm sao để phòng chống nhiễm độc chì ở trẻ nhỏ?
Để tránh nhiễm độc chì ở trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ hãy thực hiện ngay các biện pháp sau:
– Rửa tay cho trẻ trước khi ăn, khi đi ngủ, đặc biệt là với trẻ vừa chơi dưới đất.
– Không dùng son, mỹ phẩm nếu đang chăm sóc trẻ nhỏ.
– Thường xuyên lau sạch sàn nhà, bàn ghế với khăn ướt.
– Không để trẻ chơi gần trục lộ giao thông, cầu cống.
– Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là nhiều sắt, canxi, để giảm thiểu sự hấp thụ của chì từ dạ dày vào máu.
– Lựa chọn đồ ăn, thức uống sạch, không chứa chì. Không ăn, uống các thực phẩm nghi có chì.
– Nếu trong nhà có hệ thống ống dẫn nước bằng chì, hãy để nước chẩy tự do từ 30-60 giây trước khi dùng để loại các vẩn chì. Nên uống nước lạnh từ ống, vì nước nóng hấp thụ chì nhiều hơn, nhất là không nên dùng nước nóng trong vòi nước để pha sữa cho trẻ em.
– Tắm rửa, thay quần áo, dày dép trước khi về nhà, trước khi tiếp xúc với trẻ nếu bạn làm việc nơi có chì.
Vì tương lai con trẻ, hãy phòng tránh nhiễm độc chì ở trẻ nhỏ!