Hướng dẫn nhỏ mũi và hút mũi cho bé
Nghẹt mũi là triệu chứng thường gặp trong các bệnh cảm thông thường, hoặc những bệnh phức tạp hơn như viêm tiểu phế quản ở các bé. Nghẹt mũi gây nhiều khó khăn trong việc thở của bé lúc bú hoặc lúc ngủ, làm bé khó chịu và có thể làm bé biếng ăn hoặc biếng bú trong nhiều trường hợp.
Nhiều bậc cha mẹ lạm dụng việc rửa mũi và sử dụng nước muối sinh lý nhỏ giọt chưa đúng cách dẫn đến tình trạng của bé trở nên phức tạp hơn và gây nhiều khó khăn cho việc điều trị của bé.
Bộ Y tế Anh có những lời khuyên dành cho cha mẹ như sau:
Thuốc nhỏ mũi nào là an toàn cho bé?
Các thuốc nhỏ mũi chuyên biệt cần phải có tư vấn chuyên gia sức khoẻ trước khi dùng. Nước muối sinh lý được khuyên dùng cho nhiều trường hợp bị nghẹt mũi ở bé vì nó không phải là thuốc và không gây kích ứng cho bé. Nên dùng nước muôi sinh lý được pha sẵn và mua tại các hiệu thuốc, không tự pha cho bé dùng vì làm sai lệch nồng độ, không tác dụng tốt và ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé.
Nhỏ mũi cho bé
Trước khi thao tác, mẹ nên rửa tay thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn và lau tay khô.
Đặt bé nằm ngửa, có thể để một cái khăn lót dưới vai bé. Lắc đều dung dịch nước muối sinh lý và nắm chặt lọ trong lòng bàn tay một phút để làm ấm nước muối sinh lý. Nhỏ 2-3 giọt cho mỗi bên mũi để 2-3 phút để làm tan chất nhầy trong mũi bé. Bế bé lên vai 1-2 phút, dùng khăn giấy lau xung quanh và phần nước mũi chảy ra cho bé.
Rửa và hút mũi
Trước khi thao tác, mẹ nên rửa tay thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn và lau tay khô. Có 2 giai đoạn thực hiện:
Giai đoạn 1: Rửa
Cũng giống như các bước nhỏ mũi cho bé như trên: Đặt bé nằm ngửa. lót khăn dưới vai bé. Lắc đều dung dịch nước muối sinh lý và nắm chặt lọ trong lòng bàn tay một phút để làm ấm nước muối sinh lý. Nhỏ 3-4 giọt cho mỗi bên mũi để 5-10 phút để làm tan chất nhầy trong mũi bé.
Giai đoạn 2: Hút bằng dụng cụ hút mũi
Các mẹ dùng dụng cụ hút mũi nhẹ nhàng cho đầu ống vào một bên lỗ mũi của bé và hút, chất nhầy sẽ theo lực hút đi vào ống. Làm tương tự với mũi còn lại.
Lưu ý: Việc rửa mũi và hút mũi cho bé chỉ làm khi con bị sổ mũi, nghẹt mũi, không quá 3-4 lần/ ngày (nên rửa và hút mũi cho bé trước lúc bé bú hoặc trước khi cho bé ngủ) và không nên thực hiện trong hai lần bú gần nhau. Việc lạm dụng rửa và hút mũi cho bé quá nhiều lần sẽ làm tổn thương niêm mạc mũi của bé, gây tiết quá nhiều chất nhờn và làm tình trạng thêm phức tạp. Dụng cụ hút mũi và nước muối sinh lý nên mua tại các tiệm thuốc và chọn loại an toàn cho trẻ sơ sinh.