Chứng đái dầm ở trẻ em – làm sao để hết?
Chứng đái dầm ở trẻ em là hiện tượng thường gặp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ từ 0 – 5 tuổi, sau đó trẻ sẽ tự ý thức và kiểm soát được cơ thể, không còn đái dầm. Tuy nhiên, ở một số trẻ, tình trạng đái dầm liên miên gây nhiều phiền toái cho các bậc cha mẹ và gia đình. Vậy có cách nào để chữa chứng đái dầm ở trẻ nhỏ?
Mẹ có biết?
– Có đến 15-20% trẻ sơ sinh tới 5 tuổi đái dầm thường xuyên, giường ngủ không bao giờ khô ráo.
– Khoảng 3-8% trẻ em từ 5-12 tuổi có lúc đã ngừng đái dầm được 6 tháng, rồi lại đái dầm trở lại và 2-5% trẻ em đã lớn, ở tuổi vị thành niên, vẫn còn đái dầm.
Chứng đái dầm có tính chất di truyền: Nếu bố hoặc mẹ thuở nhỏ hay đái dầm thì 40% con cái của họ cũng sẽ bị đái dầm. Nếu cả bố lẫn mẹ thuở nhỏ bị đái dầm thì 70-75% con cái của họ sẽ bị đái dầm.
Nguyên nhân gây ra chứng đái dầm ở trẻ em
Chứng đái dầm ở trẻ em có liên quan đến một hoặc nhiều điều sau đây:
– Khả năng phát triển bàng quang không tốt, hay bàng quang quá nhỏ.
– Do di truyền từ bố mẹ thuở nhỏ có đái dầm.
– Không kiểm soát được cơ của ống dẫn tiểu.
– Không kiểm soát được cơ bàng quang.
– Sự suy giảm của vasopressin (một loại hormone làm giảm quá trình sản xuất nước tiểu).
– Trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu, suy thận
Mẹ cần làm gì khi trẻ đái dầm liên tục?
– Không đổ lỗi cho nhau hay quát mắng, trừng phạt khi trẻ đái dầm, điều này làm ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của trẻ.
– Cho trẻ uống nhiều nước vào ban ngày, hạn chế cho con uống nước trước khi đi ngủ.
– Tạo thói quen cho trẻ đi tiểu trước khi đi ngủ hoặc trước khi bố mẹ đi ngủ nên đánh thức trẻ dậy đi tiểu.
– Hạn chế cho con ăn uống một số thứ như chocolate, sữa, nước cam, hay những loại dễ làm đi tiểu như nước trà, nước ngọt có gas vào buổi tối.
– Nếu trẻ cố gắng thức giấc, tự đi tiểu, hay đêm nào không bị đái dầm, thì khen ngợi trẻ.
Đưa trẻ đi khám nếu:
– Trẻ trên 5 tuổi vẫn xảy ra tình trạng đái dầm thường xuyên
– Trẻ không kiểm soát được cơ bàng quan hay có dầu hiệu viêm nhiễm, tiểu rát, tiểu rắt.