Cho trẻ ăn dặm sớm – Lợi bất cập hại
Một trong những mốc quan trọng đầu đời của trẻ là ăn dặm, một bước chuyển quan trọng của trẻ từ bú mẹ hoàn toàn sang ăn thêm những thức ăn bên ngoài, từ loảng đến đặc, thô. Đó là thời kì phát triển quan trọng đối với trẻ, trẻ sẽ học tiếp xúc, tập ăn các đồ ăn dặm bên ngoài bắt đầu từ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, nhiều mẹ bận nhiều việc, muốn cai sữa sớm cho con hoặc mong muốn con tăng cân, phát triển nhanh nên cho con ăn dặm sớm từ 4 tháng tuổi. Thực tế, việc các mẹ cho con ăn dặm sớm sẽ gây những bất lợi cho con, lúc này hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển đầy đủ, chưa thể tiêu hóa thức ăn ngoài được, dưới đây là một số tác hại khi cho trẻ ăn dặm quá sớm mà các mẹ nên biết.
1. Trẻ dễ chán sữa mẹ
Khi bé được ăn dặm đồng nghĩa với việc bé sẽ phải giảm tần suất bú mẹ, điều này dẫn đến lượng sữa bú mẹ của trẻ giảm đi. Hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển đầy đủ, dẫn đến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, không hấp thu đủ chất dinh dưỡng làm trẻ chán ăn, chán bú, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bình thường của trẻ.
2. Nguy cơ tổn thương thận
Trẻ dưới 5 tháng tuổi hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, chưa tiết ra đủ chất nhầy, dịch tiêu hóa và các emzym tiêu hóa quan trọng để phân giải, tiêu hóa chất đạm, chất béo, protein,… Thận của bé cũng chưa đủ sức chuyển hóa được lượng muối có trong thức ăn dặm, dẫn đến tình trạng thận tổn thương, nặng có thể gây suy thận ở trẻ nhỏ. Để tránh tình trạng này, khi nấu các đồ ăn dặm mẹ không nên cho quá 1g muối mỗi ngày.
3. Rối loạn tiêu hóa
Thời gian đầu đời, hệ tiêu hóa non nớt của trẻ chỉ thích nghi với việc tiêu hóa sữa mẹ, chưa sinh đủ men tiêu hóa và chất nhày đáp ứng, xử lý tinh bột và các thức ăn khác. Vậy nên, cho trẻ ăn dặm quá sớm sẽ dẫn đến nguy cơ bé bị tiêu chảy, phân sống và các bệnh về đường tiêu hóa khác.
4. Dạ dày của trẻ bị tổn thương
Dạ dày của bé còn non nớt, lớp cơ còn yếu, lớp niêm mạc và dịch nhày bảo vệ niêm mạc mỏng, khi cho trẻ ăn các đồ ăn dặm sớm có thể dẫn đến nguy cơ đau dạ dày cho trẻ hoặc các bệnh lý về dạ dày khi trẻ trưởng thành.
5. Dị ứng thức ăn
Dị ứng thức ăn là một trong những tác hại của việc cho trẻ ăn dặm quá sớm. Hệ tiêu hóa của trẻ lúc này chưa hoàn thiện, việc làm quen, tiếp xúc với các thực phẩm mới sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng thức ăn. Các nghiên cứu đã chỉ ra có đến 8 – 10% trẻ sẽ bị dị ứng với một số loại thực phẩm. Vì vậy, mẹ không nên cho con ăn dặm quá sớm, thời điểm ăn dặm của trẻ thường bắt đầu từ 6 tháng tuổi, ngay cả lúc này thì mẹ cũng nên thăm dò với các thực phẩm lạ, cho con ăn ít một để xem phản ứng của trẻ đối với loại thức ăn đó.