Bé hay ốm vặt là do đâu?
Câu hỏi từ bạn đọc gửi:
Chào Bác sĩ, cháu nhà tôi năm nay 4 tuổi, cháu rất hay bị ốm vặt, vì vậy thể trạng của cháu không được tốt, so với các bạn cùng trang lứa thì cháu thấp và còi hơn rất nhiều. Bác sĩ cho tôi hỏi cháu hay ốm mặt là do đâu và làm sao để giải quyết tình trạng này. Cám ơn bác sĩ.
Câu trả lời từ: Bác sĩ Hoa
Chào bạn! Bé hay ốm vì miễn dịch của bé chưa hoàn thiện. Sau khi sinh, bé nhận được một lượng kháng thể miễn dịch từ mẹ qua sữa, gọi là “hệ miễn dịch thụ động”. Trong quá trình lớn lên (từ khi trẻ biết ăn dặm) hệ miễn dịch của trẻ mới được hoàn thiện dần. Do trẻ rất nhạy cảm với điều kiện bên ngoài và sức chịu đựng kém nên trẻ hay bị ốm vặt.
Bên cạnh đó, hệ tiêu hóa của trẻ chưa tốt, hệ vi khuẩn đường ruột chưa hoàn thiện, các men tiêu hoá chưa đủ cũng là một trở ngại lớn cho việc tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, một số ít trường hợp có thể trẻ bị suy giảm miễn dịch, không có khả năng chống chọi với tác động của vi sinh vật gây bệnh.
Trẻ hay ốm vặt do quá lạm dụng kháng sinh
Khi chữa bệnh, không chỉ có người lớn mà trẻ em cũng là đối tượng mà các bác sĩ mạnh tay kê đơn thuốc với thành phần chủ yếu là kháng sinh. Không thể phủ nhận được vai trò của kháng sinh trong việc chữa trị các bệnh nhiễm khuẩn, nhưng mặt trái của nó chính là tiêu diệt luôn hệ vi khuẩn có ích trong ruột, dẫn đến loạn khuẩn ruột.
Trong khi đó, 70% các tế bào miễn dịch được sinh ra tại các hạch bạch huyết trong thành ruột. Mất đi hệ vi khuẩn có ích, khả năng kích thích miễn dịch của cơ thể giảm đi rõ rệt. Khi đó các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn … dễ dàng tấn công và gây ra nhiều căn bệnh khác nhau.
Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể dùng được kháng sinh một cách an toàn nếu ba mẹ không quá lạm dụng cũng như kịp thời bổ sung các loại vi khuẩn có ích từ men vi sinh. Ngay cả khi bé ốm, ba mẹ cũng cần dỗ cho trẻ ăn đầy đủ, để trẻ có sức chống chọi với bệnh tật cũng như đảm bảo dinh dưỡng để giữ gìn hệ miễn dịch.
Không rửa tay đúng cách cho trẻ
Bàn tay của trẻ rất dễ bị nhiễm bẩn vì các em rất thích chơi đùa lại hay có thói quen ngậm tay vào miệng. Nếu cha mẹ không chú ý giúp trẻ luôn giữ sạch đôi tay thì khả năng trẻ bị mắc một số bệnh như viêm đường hô hấp cấp, bệnh cúm, bệnh tay chân miệng, bệnh tiêu chảy cấp do vi rút Rô ta… là điều khó tránh khỏi. Một thực tế đáng báo động là có tới 74% số bà mẹ có con dưới 5 tuổi không rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi cho trẻ ăn hoặc cho trẻ bú.
Theo thống kê của tổ chức UNICEF, tại Việt nam chỉ có 12% số người dân có thói quen rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, và chỉ có 16% rửa tay bằng xà phòng sau khi đi nhà vệ sinh. Đây chính là nguyên nhân khiến người dân, đặc biệt là trẻ em dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn qua đường hô hấp và tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, nhiễm giun sán, nhiễm cúm… đặc biệt là bệnh tay chân miệng đang gây nhiều lo lắng và hoang mang cho các bậc làm cha, mẹ.
Khẩu phần ăn thiếu vi chất dinh dưỡng
Việc ăn uống cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ chuẩn bị bữa ăn cho con chủ yếu theo cảm quan mà chưa chú ý tới sự cân bằng về dinh dưỡng. Vì thế mà nhiều bé mắc các bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng, ảnh hưởng tới trí tuệ, học hành và chậm phát triển thể chất… Các bệnh lý do thiếu vi chất ở trẻ em có thể chia thành hai nhóm chính là nhóm thiếu khoáng chất và nhóm thiếu vitamin.
Nhóm thứ nhất thiếu vitamin: Thiếu vitamin A tác động xấu tới cả hệ miễn dịch và sự tăng trưởng của bé. Nhóm bệnh do thiếu vitamin ở trẻ còn phải kể tới là các bé bị thiếu vitamin nhóm B, C. Việc thiếu vitamin nhóm B ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa các chất. Thiếu vitamin nhóm C khiến hệ miễn dịch yếu, trẻ dễ bị lây nhiễm và mắc các bệnh về đường hô hấp, như suyễn hay viêm phổi.
Nhóm tiếp theo là thiếu sắt, kẽm, selen (khoáng chất), thường hay xảy ra ở những bé độ tuổi ăn dặm. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do trẻ ăn thịt, cá hoặc trẻ hay ăn nhả bã, hoặc cũng có thể do trẻ không chịu ăn rau, trái cây. Thiếu sắt nặng trẻ có thể bị thiếu máu. Các bệnh nhi thiếu kẽm, selen thường có miễn dịch kém. Bé hay chán ăn, mệt mỏi, dễ ốm vặt, nhiễm trùng hô hấp, tiêu hóa, viêm da, lở miệng.
Cách bảo vệ bé khỏi những cơn ốm vặt
- Tổ chức WHO khuyên các bà mẹ nên cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.
- Tiêm phòng đầy đủ các bệnh cho bé, giữ ấm cho bé khi đi ra ngoài.
- Các bậc cha mẹ nhớ thường xuyên rửa tay cho con bằng sữa tắm hoặc xà bông diệt khuẩn sau khi bé nghịch hoặc trước khi ăn cơm.
- Không cho bé tiếp xúc với trẻ đang bị ốm, người bệnh…
- Khi bé ốm, cha mẹ không nên lạm dụng thuốc kháng sinh. Nếu chỉ là bệnh hắt hơi, xổ mũi, ho thông thường, bạn có thể chế biến những cây thuốc sẵn có để trị bệnh cho bé. Ví dụ: Bé bị ho, bạn có thể dùng húng chanh, gừng, cây núc nác…
- Và đặc biệt là đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc, uống đủ nước và chế độ ăn đủ chất.