Trẻ sổ mũi kéo dài dễ bị viêm xoang

Bài viết khác: Trẻ chảy mũi kéo dài dễ sinh viêm tai giữaCon bị viêm mũi chữa mãi không khỏiBé bị sổ mũi kéo dài, mẹ phải làm sao?

Thời tiết trở lạnh, nên chị Lan nghĩ việc trẻ con ho, sốt, sổ mũi cũng là bình thường. Chị cứ bám theo cách điều trị sổ mũi thông thường, tự chữa. Tuy nhiên, chỉ sau mấy ngày, chị thấy con sụt cân và xanh xao, chảy nước mũi xanh đặc, ăn uống hay nôn. Đưa con vào bệnh viện, chị không ngờ con mình còn nhỏ đã bị viêm xoang.

“Bác sĩ nội soi hốc mũi và bảo bé đã bị xoang, tôi vẫn không tin. Tôi đã đưa cháu đến 2 bệnh viện lớn để kiểm tra và kết quả vẫn thế. Giờ cứ trời trở lạnh hay thay đổi đột ngột, tôi lại nơm nớp lo bé bị xoang lại”, chị Lan tâm sự.

Theo thạc sĩ Hà Minh Lợi, khoa Mũi xoang dị ứng, Bệnh viện Tai-Mũi-Họng Trung ương, nhiều người nghĩ bệnh xoang chỉ người lớn mới bị, còn trẻ thì không. Tuy nhiên, thực tế bệnh này cũng khá phổ biến ở trẻ từ 6 tuổi trở lên.

Viêm xoang có thể dẫn đến các biến chứng ở tai, mắt... Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Viêm xoang có thể dẫn đến các biến chứng ở tai, mắt… Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Việc chảy nước mũi là bình thường, ở một số trẻ có thể tự khỏi. Tuy nhiên, khi đã thò lò mũi xanh, đồng nghĩa trẻ đã có dấu hiệu bị viêm xoang. Viêm xoang là tình trạng viêm nhiễm màng niêm mạc lót ở trong xoang, đặc biệt là những xoang quanh mũi, thạc sĩ Lợi cho biết.

Biểu hiện của bệnh có thể là chảy mũi vàng – xanh đặc, hơi thở hôi, ăn uống hay bị nôn, đau đầu, người mệt mỏi, phù quanh mắt, sốt nhẹ hoặc sốt cao. Bệnh được chia thành 3 loại dựa theo thời gian các triệu chứng kéo dài, dưới 4 tuần là viêm xoang cấp, 4-12 tuần là bán cấp và sau 12 tuần là viêm xoang mãn tính.

“Điều đặc biệt là có đến 50% số trẻ bị viêm xoang đều khởi đầu từ những biểu hiện như sổ mũi, cảm cúm thông thường do virus gây ra như trường hợp con chị Lan. Tuy nhiên, nếu bệnh không được điều trị dứt điểm sẽ chuyển sang bị bội nhiễm (do vi khuẩn), dẫn đến viêm xoang”, thạc sĩ Lợi cho biết.

Ngoài ra, ở một số trẻ có những yếu tố thuận lợi như viêm Amidan quá phát, Amidan to, hay bị viêm đường hô hấp trên, trẻ suy sinh dưỡng, sức đề kháng kém… đều dễ bị xiêm xoang.

Cũng theo thạc sĩ Lợi, bệnh viêm xoang ở trẻ khó phát hiện hơn so với người lớn. Bởi vì, khi đi khám, người lớn có thể nói đầy đủ và đúng các triệu chứng của bệnh còn trẻ thì không. Các bác sĩ phải tiến hành nội soi mềm vào hốc mũi hoặc thậm chí chụp CT Scan khi cần thiết mới phát hiện được.

Bên cạnh đó, do đặc điểm thể trạng, xoang trẻ em dễ bị nhiễm trùng lan tỏa và dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm hơn người lớn rất nhiều như: áp xe mắt (có thể dẫn đến tử vong), viêm não, nhiễm trùng huyết, viêm thận, viêm tai giữa…

“Đặc biệt, các biến chứng ở mắt là phổ biến nhất. Mắt bị viêm và phù nề dữ dội, bị đẩy lồi ra phía trước, nhãn cầu bị hạn chế vận động, bị mù hoàn toàn nếu thiếu máu cục bộ kéo dài trong 90 phút”, thạc sĩ Lợi nói.

Đã có một trường hợp bé gái 4 tuổi từng vào bệnh viện cấp cứu vì bị áp xe mắt, nguy hiểm đến tính mạng.

Thạc sĩ Lợi cho biết, khi vào viện, bé bị sốt cao, người mệt mỏi, ăn kém, mắt trái bị sưng tấy, mắt dần lồi ra phía trước. Các bác sĩ đã phải chụp CT Scan và chẩn đoán bé đã bị xiêm xoang mãn tính và có biến chứng ở mắt. Dù đã được phẫu thuật cấp cứu nhưng thị lực của bé giảm chỉ còn 7/10.

Để phòng bệnh viêm xoang ở trẻ, cha mẹ cần phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cho trẻ bằng việc mặc ấm vào ngày lạnh, tránh bụi, khói, đặc biệt là khói thuốc lá. Thường xuyên dùng nước mũi loãng rửa mũi cho trẻ.

Khi trẻ bị sốt, ho, sổ mũi thông thường, cha mẹ nên đưa con đi khám, để chữa dứt điểm. Đặc biệt, khi trẻ đã xuất hiện tình trạng chảy mũi vàng xanh, đặc sánh chứng tỏ bé đã bị viêm mũi thì cần phải đi khám ngay. Khi trẻ đã bị viêm xoang, thì cha mẹ tuyệt đối không dùng kháng sinh tùy tiện tránh gây các biến chứng nguy hiểm.

Ngoài ra, trẻ còn cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều trái cây, rau xanh và tập luyện thể dục để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Nguồn: vnexpress.net