Chăm sóc bé bị cảm cúm sổ mũi
Bài viết khác: Sai lầm khi chữa bệnh sổ mũi cho trẻ/ Những món mẹ CẤM được cho con ăn khi con đang bị ho, cảm cúm/ Bí quyết trị ho và sổ mũi cho trẻ không cần dùng kháng sinh
Xử trí khi bé bị cảm cúm sổ mũi
Ngay khi bắt đầu có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, mẹ cần chú ý giữ ấm cho cơ thể bé. Trời lạnh, mẹ phải mau mau mặc quần áo ấm cho bé, rồi choàng khăn cổ, mang vớ, găng tay, tắm nước ấm cho bé ngày một lần.
Tránh gió lùa, lau ấm cơ thể bé sau khi tắm, không cho bé ra đường vào buổi tối, thay quần áo ngay nếu bé đổ mồ hôi ẩm ướt. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên kiêng nước cữ gió quá đáng để phòng tránh cho bé bị một bệnh mà bé còn ghét hơn: rôm sảy, nhiễm trùng da khi không tắm rửa sạch sẽ.
Khi bé sốt cao trên 38 độ C, bé cần uống thuốc để hạ nhiệt nhưng phải theo chỉ dẫn của bác sĩ. Lúc bé sốt, bé có thể cảm thấy lạnh lắm, nhưng mẹ không nên trùm mền hay mặc đồ ấm quá vì sẽ làm bé tăng nhiệt độ hơn, có thể gây sốt cao và co giật ở bé từ 6 tháng đến 5 tuổi, còn bé trên 5 tuổi có thể bị la sảng.
Khi sốt quá cao, nên lau mát cơ thể bé bằng nước ấm (lau toàn thân, đặc biệt ở cổ, hai bên nách và hai bên bẹn) để nhanh chóng hạ nhiệt. Không nên lau bằng nước đá vì hạ nhiệt đột ngột làm co mạch máu da không có lợi. Cho bé uống nhiều nước lọc, nước trái cây bù lại sự mất nước do thở nhanh và đổ mồ hôi.
Khi bé chảy mũi, mẹ nên dùng khăn giấy hoặc khăn sữa khô, sạch thấm nhẹ phần nước mũi chảy ra. Nếu mũi quá đặc làm bé nghẹt mũi thì có thể nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9% để làm loãng mũi cho mũi chảy ra ngoài.
Nếu bé ho nhiều, có đàm, cần cho bé uống nhiều nước để loãng đàm. Nếu bé đau nhức người nhiều, có thể cho bé uống vitamin B1 nhưng phải theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ăn uống : Khi hạ sốt, mẹ nên cố gắng cho bé ăn uống bình thường. Cho bé ăn cháo, súp, phở lỏng dễ tiêu, dễ nuốt, uống sữa và ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Các loại rau củ, trái cây chứa nhiều vitamin C cũng giúp bé tăng sức đề kháng
Phòng ngừa cảm cúm sổ mũi như thế nào
Quan trọng nhất trong phòng ngừa cảm cúm, sỗ mũi cho bé là ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tránh suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A. Bữa ăn của bé cần đủ thịt cá, nhiều rau quả để tăng sức để kháng chống lại bệnh tật.
Giữ ấm cơ thể bé mỗi khi trời trở lạnh hay đi ngoài đường buổi tối, khi trời mưa. Phòng tắm cần kín gió, giảm quạt, đắp mền khi trời đêm chuyển mát lạnh. Không nên để bé nghịch nước, tắm nhiều lần trong ngày dù thời tiết nóng bức. Luôn giữ bé cách ly, tránh tiếp xúc gần gũi hoặc dùng chung dụng cụ cá nhân với người đang bệnh viêm hô hấp.
Việc chủng ngừa cúm hiện nay còn nhiều khó khăn do chỉ chống được một vài loại siêu vi cúm, giá cả khá cao, mỗi mũi chích ngừa chỉ có tác dụng một năm. Vì vậy, dù là chích ngừa rồi, bé vẫn có nguy cơ bị cảm cúm do có rất nhiều siêu vi khác gây ra.
Việc chăm sóc và xử trí tại nhà là rất quan trọng khi bé bệnh cảm cúm. Bởi đây là những sơ cứu ban đầu nên khá hiệu quả, không những làm giảm các triệu chứng bệnh mà còn giúp bé mau lành bệnh. Ngoài ra, cần theo dõi chặt chẽ để đưa bé đến cơ sở y tế hay đi bác sĩ kịp thời khi bệnh có dấu hiệu trở nặng, vì chữa trị đúng lúc thì mới làm hạn chế các biến chứng tác hại của bệnh.
Không nên làm cho trẻ những việc sau:
- Mặc quần áo dày, trùm kín khăn mền khi đang sốt.
- Nặn chanh vào miệng trẻ đang co giật vì có thể gây sặc, viêm phổi, thậm chí làm ngưng thở rất nguy hiểm.
- Tự ý mua thuốc giảm ho có thể làm cô đặc đàm và chứa đọng trong đường hô hấp làm tăng thêm tình trạng viêm nhiễm.
- Đi cắt lễ có thể bị lây nhiễm HIV và các loại vi trùng, siêu vi khác.
- Kiêng khem ăn uống, làm giảm khả năng chống lại bệnh của cơ thể.
Các dấu hiệu nặng cần đi khám bác sĩ
Khi trẻ sốt kéo dài trên hai ngày, ho nhiều, kèm nôn ói, mũi xanh hoặc vàng đặc thì nên đi bác sĩ để điều trị vì có thể bội nhiễm thêm vi trùng. Ngoài ra, khi có các dấu hiệu hô hấp nặng sau thì bé cần nhập viện ngay:
- Thở nhanh bất thường
- Co rút lồng ngực, cánh mũi phập phồng
- Thở rên, rít, khò khè
- Tím tái quanh môi
- Bỏ ăn, li bì, vật vã
- Khó thở, nặng ngực, đau ngực