3 kỹ năng tự bảo vệ bản thân mà ba mẹ cần trang bị cho trẻ
Thời buổi hiện nay, các bậc cha mẹ phải bận bịu cả ngày, rất ít thời gian để bên cạnh con. Mắt khác, trẻ càng lớn, càng có nguy cơ phải đối mặt nhiều tình huống nguy hiểm nhiều hơn như bị xâm hại, bị cướp giật, bị lạm dụng… Chính vì vậy, một trong những điều quan trọng nhất các bậc cha mẹ phải trang bị cho con đó là kỹ năng tự bảo vệ bản thân.
1. Ứng phó với người lạ
Nhận thức và xử lý, ứng xử tình huống với người lạ phù hợp là kỹ năng tự bảo vệ bản thân quan trọng liên quan đến sự an toàn của bé. Thế nên, mẹ phải thường xuyên, liên tục cập nhật những thông tin mới cho con, hướng dẫn con cách tự bảo vệ bản thân trong mọi hoàn cảnh khác nhau, hãy cùng trẻ giả định các tình huống nguy hiểm thường gặp và dạy trẻ cách tự bảo vệ và ứng phó. Một số tình huống có thể giả định như:
– Khi bố mẹ đến đón trẻ không kịp giờ, lúc đó lại có người lạ mặt tỏ ý muốn cho con đi nhờ xe, hoặc ai đó nhờ trẻ làm những việc lạ, không rõ ràng thì trẻ cần làm những gì?
– Nếu trẻ bị lạc trong một chợ, siêu thị, khi vui chơi thì phải tìm ai đáng tin cậy để nhờ giúp đỡ, đưa về nhà?
– Nếu có người lạ đến hỏi chuyện lúc bố mẹ không có nhà, trẻ cần ứng xử ra sao?
…………..
Thực tế, sẽ có rất nhiều tình huống sẽ xảy ra mà không thể đoán trước được trong cuộc sống này, vì vậy, bố mẹ hãy quan sát thực tế xung quanh để có những chỉ dẫn phù hợp với trẻ.
2. Tìm kiếm sự giúp đỡ phù hợp
Ba mẹ cần dặn dò, hướng dẫn con khi gặp khó khăn, nguy hiểm thì trẻ cần nhờ sự giúp đỡ từ những ai, gọi ai và làm thế nào để bảo vệ bản thân? Chỉ cho trẻ biết những nơi an toàn như: đồn cảnh sát, chú cảnh sát, cô chú bảo vệ, thầy cô giáo… và sau đó là gọi ngay cho người nhà. Hãy cho trẻ tối thiểu phải biết những điều này:
– Nhớ tên, số điện thoại của bố mẹ, một vài người thân. Việc này sẽ giúp trẻ bình tĩnh tự tin hơn khi gặp một trường hợp khó khăn, nguy hiểm.
– Thuộc địa chỉ nhà, số điện thoại nhà, tên trường bé học.
– Cho trẻ làm thân với một người hàng xóm tin cậy để trẻ có thể nhờ đến lúc khó khăn khi bố mẹ vắng nhà.
……
3. Ứng phó với những tình huống bất ngờ
Hãy dạy cho trẻ cách xử lý những tình huống bất ngờ mà trẻ chưa từng gặp trước đó. Ví dụ: lạc bố mẹ ở nơi đông người, hoả hoạn, có báo động dò khí gas, bị ngã đau…
Từ đó hãy trang bị cho trẻ những kiến thức sau:
– Không khóc lóc, la hét, bình tĩnh mà không cần hoảng sợ.
– Làm theo chỉ dân của người lớn, tin cậy như chú công an, bảo vệ, các thầy cô giáo,…
– Biết xác định vị trí, phương hướng,… từ đó sẽ giúp trẻ đưa ra quyết định nhanh chóng.
– Biết những nơi an toàn, tin cậy và vị trí của những nơi này.