21 MÓN ĂN CHO TRẺ TỪ 1 ĐẾN 3 TUỔI
Đây là 21 món ăn CỰC tốt cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi, các mẹ xem và tham khảo thêm.
1. KHOAI TÂY NGHIỀN SỮA
Nguyên liệu
• 1 củ khoai tây cỡ vừa
• ½ muỗng cafe đặc sữa có đường, 2 muỗng ăn cơm sữa tươi (với trẻ dưới 2 tuổi thay bằng sữa công thức, pha đậm hơn cách pha cho con bú)
• 1 ít muối trắng
Cách làm
B1: Khoai tây sau khi rửa sạch gọt vỏ và cắt nhỏ thì cho vào nồi đổ ngập nước. Cho nồi khoai tây lên bếp đun và nhớ cho 1 ít muối vào nồi nước luộc khoai tây. Vặn lửa vừa đun đến khi nồi khoai tây sôi, vặn nhỏ lửa đun thêm 10 phút cho khoai tây thật nhừ. Đổ nồi khoai tây sau khi đã luộc nhừ ra một cái giá và lọc hết phần nước để nguội.
B2: Trong khi chờ nồi khoai tây thật nhừ thì đặt một nồi nhỏ lên bếp và đổ hai hỗn hợp sữa vào nồi. Đun đến khi nồi sữa bốc hơi nóng là xong rồi. Không đun sôi. Nếu dùng sữa công thức thì cứ pha bình thường không cần đun nóng.
B3: Cho khoai tây đó ra một cái bát lớn và dùng cái muỗng to nghiền cho khoai tây thật nát và mịn. Nên làm ngay sau khi khoai tây ráo nước như vậy khoai tây sẽ rất mịn.
B4: Cho 1 ít thật ít muối trắng và hỗn hợp sữa nóng đã đun (dùng sữa công thức thì cho sữa công thức) vào bát khoai tây nghiền. Trộn thật đều hai hỗn hợp này lại. Bé nào chịu ăn béo thì cho thêm 1 ít bơ vào bát khoai tây nghiền sẽ giúp cho món khoai tây càng béo ngậy (cái này tuỳ theo sở thích)
Món khoai tây nghiền này rất nhiều bé thích ăn, trẻ trên 2 tuổi mẹ cho con ăn cùng với trứng luộc hay trứng chiên là có 1 bữa ăn cực kỳ thơm ngon dinh dưỡng.
2. CHÁO THỊT HEO RAU NGÓT
Nguyên liệu
• Cháo đặc 2/3 chén
• Thịt heo nạc 30g – băm nhuyễn (canh khoảng 2 thìa cafe đầy)
• Rau ngót 30g – xắt nhuyễn (canh khoảng 1 thìa ăn cơm đầy vun rau là được)
• Dầu 2 muỗng cà phê
• Hành lá lấy phần đầu hành màu trắng đập dập băm nhuyễn (mùi hành phi dầu sẽ thơm và hợp khẩu vị của bé hơn là mùi tỏi phi)
Cách làm: Cho 1 thìa dầu ăn vào chảo, cho hành lá băm nhuyễn vào, nghe dậy mùi là cho thịt heo vào xào, thịt săn lại cho cháo vào (đặc hay loãng tùy mẹ canh cho con, có thể thêm nước vào). Khoảng 3-5 phút là thịt chín, tiếp theo cho rau bồ ngót vào và mẹ nêm nếm với 1 ít nước mắm ngon. Khi cho rau vào cháo, chỉ nấu rau trong vòng 3-5 phút, sau đó tắt bếp, cho 1 muỗng dầu ăn vào trộn đều và cho cháo ra chén.
3. CHÁO THỊT HEO BÍ ĐỎ
Nguyên liệu:
½ – 2/3 bát cháo (nấu nhuyễn theo độ tuổi của con)
Thịt heo 30g xay nhuyễn (2 muỗng cơm)
• Bí đỏ cắt hạt lựu – khoảng 2 muỗng cơm vun
• Dầu ăn 2 muỗng cà phê
• Hành, nước mắm ngon …
Cách Làm: Bí đỏ cho vào cháo nấu mềm. Lấy chảo nhỏ, phi hành với 1 muỗng cà phê dầu cho thơm, để thịt vào xào cho chín. Cho thịt vào cháo nêm vừa ăn, trút ra chén thêm 1 muỗng cà phê dầu ăn.
BÍ QUYẾT: khi nấu các món cháo bí đỏ thay vì cho dầu oliu vào thì cho 1 ít bơ hay kem sữa vào vị sẽ ngon hơn nhiều.
4. CHÁO THỊT HEO – ĐẬU HÀ LAN
Nguyên liệu
– 2/3 bát cháo
– Thịt heo30 -50 gram, băm nhỏ hay xay nhuyễn
– Đậu Hà Lan tươi 1 muỗng cơm đầy
• Dầu 2 muỗng cà phê
• Hành lá lấy phần đầu hành màu trắng đập dập băm nhuyễn
Cách chế biến: Đậu Hà Lan cho vào nồi đổ nước ngập mặt nước đun cho đến khi chín mềm (đậu hà lan rất mau chín chỉ đun khoảng 5phút), lấy ra nghiền nhỏ bằng tay theo độ tuổi của bé. Lấy chảo nhỏ, phi hành với 1 muỗng cà phê dầu cho thơm, cho thịt vào xào 2 phút rồi cho cháo và đậu hà lan vào. Nêm vừa ăn, tắt bếp bắc xuống trút ra chén thêm 1 muỗng cà phê dầu ăn.
5. CHÁO SƯỜN ĐẬU HÀ LAN (Một chén đầy cho 278 calo)
Nguyên liệu:
• Cháo 2/3 bát
• Sườn nạc 100g (chừng 3-4 miếng)
• Đậu Hà lan tươi 10g (1 muỗng canh đầy)
• Dầu 10g (2 muỗng cà phê)
• Nước mắm, hành lá xắt nhuyễn, …
Cách làm:
• Đậu Hà lan ngâm lột vỏ
• Củ hành lột vỏ, cắt mỏng, phi vàng với 1 muỗng cà phê dầu
• Sườn cho vào nồi nhỏ, đổ nước qua mặt miếng sườn, hầm mềm trong vòng 30phút, gỡ thịt nạc, xé nhỏ.
• Món cháo sườn, nên nấu sườn trước, sau đó cho gạo hoặc bột gạo giã nhuyễn (theo độ tuổi của trẻ) vào nấu với nước sườn hầm, cháo vừa mềm hạt, cho thịt xé vào ninh nhừ rồi cho đậu Hà lan vào nấu trong 5-10 phút (tùy theo trẻ ăn được nhừ cỡ nào). Nêm lại cho vừa ăn, thêm hành vào trộn đều, cho ra chén, thêm 1 muỗng cà phê dầu ăn.
6. CHÁO THỊT GÀ NẤM RƠM (Một chén đầy cho 254 calo)
Nguyên liệu:
• ½ – 2/3 bát cháo (tùy theo lượng con ăn)
• Thịt gà 30g (2 muỗng canh)
• Nấm rơm 30g (4-5 tai nấm)
• Dầu 10g (2 muỗng cà phê)
• Nước mắm, hành ngò…
• Nước 300ml (gần 1 lon sữa bò)
Cách làm:
• Thịt gà cắt nhỏ, nấm xắt mỏng
• Phi 1 muỗng cà phê dầu hành xào thịt gà, nấm rơm thêm chút nước mắm iốt hoặc muối iốt.
• Cho cháo vào nồi nấu sôi lên, cho thịt gà và nấm rơm vào, nấu sôi lên và nêm lại cho vừa ăn, thêm hành ngò nhắc xuống, chế 1 muỗng cà phê dầu ăn.
• Cơm còn đang nóng, múc ra tô, lấy thìa to tán ngay khi mới múc ra.
7. CHÁO THỊT BÒ – CARÔT – PHÔ MAI
Nguyên liệu
• Cháo đặc 2/3 chén
• Thịt bò nạc 30g – băm nhuyễn
• Cà rốt 1 muỗng ăn cơm đầy vun xắt nhuyễn
• Dầu ăn 1 muỗng cà phê
• Phô mai ½ miếng (hoặc 1 -2 viên phô mai nhỏ loại vuông)
• Hành lá lấy phần đầu hành màu trắng đập dập băm nhuyễn
Cách làm: Cho 1 thìa dầu ăn vào chảo, cho hành lá băm nhuyễn vào, nghe dậy mùi là cho thịt bò vào xào 3 phút, tắt bếp cho thịt bò vào bát. Sau đó cho cháo vào nồi đã xào thịt, cho luôn cà rốt vào nấu sôi 5-7 phút cho chín cà rốt (đặc hay loãng tùy mẹ canh cho con, có thể thêm nước vào).
Tiếp theo cho thịt bò vào cháo (thịt bò nấu lâu sẽ bị dai và hết thơm ngon), nêm 1 ít nước mắm ngon chờ cháo sôi lại 1phút, sau đó tắt bếp, cho cháo ra chén. Lúc ấy mới cho phô mai vào đánh tan đều. Lưu ý: Cháo có phômai đã có chất béo nên không cho thêm dầu ăn vào.
GHI CHÚ: Bé nào không thích béo thì không cho phô mai vào.
8. CHÁO CÁ CÀ RỐT
Nguyên liệu:
• ½ – 2/3 bát cháo (tùy theo lượng con ăn)
• Cá nạc 2 muỗng ăn cơm
• Cà rốt cắt hạt lựu thật nhỏ – khoảng 2 muỗng ăn cơm
• Dầu ăn 2 muỗng cà phê
• Nước mắm, hành…
Cách làm:
Cá quả lóc kỹ lấy phần thịt. Cho dầu ăn vào chảo, phi với hành hoặc tỏi cho thơm rồi cho thịt cá vào, nêm gia vị vừa miệng. Kiểm tra lại xem còn xương cá hay không. Lấy 1 chảo nhỏ khác nấu cháo với cà rốt cho thật nhừ, sau đó cho cá đã xào chín vào đun sôi lại thì tắt bếp. Cho thìa dầu ăn vào trộn đều.
BÍ QUYẾT: Nếu nấu món cá cho con, mẹ cần “bùa phép” vào món cá hấp hay cháo cá một thìa 1 dầu mè cho thơm lừng lên con sẽ chịu ăn hơn.
9. CHÁO LƯƠN VỚI CÀ RỐT
Nguyên liệu:
• ½ – 2/3 bát cháo
• Thịt lươn – 2 muỗng ăn cơm
• Cà rốt cắt hạt lựu thật nhỏ – khoảng 2 muỗng ăn cơm
• Dầu ăn 2 muỗng cà phê
• Nước mắm ngon
Cách làm: Lươn làm sạch, hấp chín rồi gỡ thịt, xé nhỏ. Cho cà rốt băm vào cháo nấu chín nhừ, cho lươn vào, nêm vừa ăn, đun sôi cháo trở lại 1-2phút, tắt bếp. Cho 1 thìa cafe dầu ăn vào trộn đều. Có thể nêm hành xắt nhuyễn nếu trẻ ăn được.
Món cháo lươn kết hợp cà rốt cung cấp rất nhiều dinh dưỡng, trẻ chậm tăng cân 1 tuần ăn 3-4 lần sẽ rất hiệu quả.
10. CHÁO CUA BÍ ĐỎ
Nguyên liệu:
• ½ – 2/3 bát cháo (tùy theo lượng con ăn)
• Thịt nạc cua đã hấp chín – 1 muỗng ăn cơm đầy vun
• Bí đỏ cắt hạt lựu thật nhỏ – khoảng 2 muỗng ăn cơm
• Dầu ăn 2 muỗng cà phê
• Nước mắm ngon, đầu hành lá đập dập băm nhuyễn
Cách làm:
Cho dầu ăn vào chảo, phi với hành cho thơm rồi cho cua vào xào nhanh tay 2 phút cho thịt cua thơm ngon. Lấy 1 chảo nhỏ khác nấu cháo với bí đỏ cho chín nhừ, sau đó cho cua đã xào vào đun sôi, nêm gia vị vừa miệng, tắt bếp. Cho thìa dầu ăn vào trộn đều.
11. CHÁO TÔM CÀ RỐT
Cách nấu như nấu cháo cua với bí đỏ. Có thể nấu món cháo tôm cà rốt cùng với bí đỏ cũng rất ngon, cho bí đỏ và cà rốt xắt hạt lựu vào cùng lúc.
12. CHÁO TÔM – SÚP LƠ & PHÔ MAI
Nguyên liệu:
– 2/3 bát cháo
– 3 con tôm sú cỡ ngón tay con tôm
– 1 nhánh súp lơ xanh nhỏ
– ½ miếng phô mai con bò cười
– đầu hành lá đập dập – băm nhỏ, ngò hoặc hành lá xắt nhuyễn
– 1thìa café dầu ăn.
Cách làm: Tôm lột vỏ, rút chỉ đen, cắt hạt lựu tùy theo độ tuổi của bé rồi ướp với chút bột nêm và đầu hành trắng giã nhuyễn.
Súp lơ xanh (bông cải xanh) chần qua nồi nước sôi có pha chút muối rồi rửa sạch bằng nước lạnh, thái miếng thật nhỏ cho bé vừa ăn theo độ tuổi. Bắc nồi cho cháo đã nấu nhuyễn vào, cho Súp lơ xanh (bông cải xanh) vào nấu cho chín nhừ. Thêm nước nếu cần.
Lấy 1 cái chảo khác, cho 1 thìa café dầu ăn vào, cho tôm vào xào chín, cho vào nồi cháo đã nấu nhừ, nêm nếm gia vị vừa ăn, nấu thêm 2-3 phút thì tắt bếp. Cho phô mai vào khuấy tan, rắc hành ngò vào đảo đều (nếu con ăn được hành ngò).
13. CHÁO TRỨNG – ĐẬU HŨ NON (đậu phụ non)
Nguyên liệu:
• ½ – 2/3 bát cháo (tùy theo lượng con ăn)
• 1 trứng gà
• 1 miếng nhỏ đậu phụ non (khoảng 2 muỗng ăn cơm vun đầy)
• Dầu ăn 2 muỗng cà phê
• Nước mắm ngon
• Dầu ăn 1 muỗng cà phê
Cách làm: Trứng đánh đều lòng đỏ, lòng trắng, rồi cho đậu phụ vào đánh đều. Nấu sôi cháo, cho trứng và đậu vào đảo nhanh tay, nêm vừa ăn, trút cháo ra chén và cho 1 muỗng cà phê dầu ăn vào.
Món cháo trứng với đậu hũ có thể thay đậu hũ bằng cà chua (cắt hạt lựu thật nhỏ) cũng rất ngon.
14. CHÁO TRỨNG BẮC THẢO
(món này thơm ngon lắm nha các mẹ, lại bổ dưỡng cực kỳ nữa)
Nguyên liệu:
• ½ – 2/3 bát cháo (tùy theo lượng con ăn)
• 1 trứng gà
• 1 /2 lòng đen hột vịt bắc thảo (là lòng đỏ so với trứng bình thường)
• Dầu ăn 1 muỗng cà phê
Cách làm: Trứng đánh đều lòng đỏ, lòng trắng, cho phần lòng đen hột vịt bắc thảo vào đánh cho tan đều (còn lợn cợn cho vào cháo khi nấu sôi sẽ tan). Nấu sôi cháo, cho hỗn hợp trứng vào đảo nhanh tay, nêm vừa ăn, trút cháo ra chén và cho 1 muỗng cà phê dầu ăn vào.
GHI CHÚ: các mẹ miền Bắc thường không biết hột vịt bắc thảo, hãy áp dung thử cho con, rất ngon. Và món này nếu cho thêm hành lá xắt nhuyễn, lá tía tô xắt thật nhuyễn sẽ là món cháo giải cảm cực tốt cho trẻ và cả người lớn.
Cảm lạnh, cảm cúm chỉ cần ăn món cháo này ngày 2 lần, kết hợp xông hơi với người lớn, tắm nước gừng với trẻ nhỏ, sẽ giúp bệnh giảm nhiều và hết nhanh hơn.
15. CHÁO TRỨNG BẮC THẢO VỚI THỊT HEO
(Món này bé nào thích vị béo và thơm sẽ rất thích ăn)
Nguyên liệu:
• Cháo đặc 2/3 chén
• Thịt heo nạc 30g – băm nhuyễn
• 1 /2 lòng đen hột vịt bắc thảo
• Nước mắm ngon
• Dầu ăn 2 muỗng cà phê
• Hành lá lấy phần đầu hành màu trắng đập dập băm nhuyễn
Cách làm: Cho 1 thìa dầu ăn vào chảo, cho hành lá băm nhuyễn vào, nghe dậy mùi là cho thịt heo vào xào, thịt săn lại cho cháo vào. Sau đó cho 1 /2 lòng đen hột vịt bắc thảo vào đánh tan đều, nêm vừa ăn. Nấu cháo sôi khoảng 3-5 phút, tắt bếp, cho 1 muỗng dầu ăn vào trộn đều và cho cháo ra chén.
GHI CHÚ: Món này cho thêm hành lá và lá tía tô xắt nhuyễn cũng là món cháo giải cảm, thay đổi dùng trong ngày với món cháo trứng bên trên.
16. CHÁO ĐẬU HŨ RAU NGÓT
Nguyên liệu:
• ½ – 2/3 bát cháo (tùy theo lượng con ăn)
• 1 miếng nhỏ đậu phụ non khoảng 2 muỗng ăn cơm
• Rau ngót xắt nhuyễn khoảng 2 muỗng ăn cơm đầy vun
• Dầu ăn 1 muỗng cà phê
Cách làm: Đậu hũ đánh nhuyễn, cho đậu hủ non, rau ngót vào cháo, nêm vừa ăn, nấu chín rau là tắt bếp trút ra chén, thêm 1 muỗng cà phê dầu ăn.
17. CHÁO GAN – CÀ CHUA
Nguyên liệu:
• ½ – 2/3 bát cháo (tùy theo lượng con ăn)
• Gan heo băm nhuyễn – 2 muỗng ăn cơm
• Cà chua 30g 1/2 quả
• Dầu ăn 2 muỗng cà phê
• Hành lá lấy phần đầu hành màu trắng đập dập băm nhuyễn
Cách làm: Cho 1 thìa dầu ăn vào chảo, cho hành lá băm nhuyễn vào, nghe dậy mùi là cho gan heo vào xào, gan săn lại cho cà chua vào xào khoảng 2-3phút, tiếp theo cho cháo vào nêm vừa ăn. Khi gan và cà chua đã chín nhừ, tắt bếp, cho 1 muỗng dầu ăn vào trộn đều và cho cháo ra chén.
18. TRỨNG RÁN RAU CỦ
Nguyên liệu:
– 2 quả trứng gà
– 1/3 củ khoai tây, 1/4 củ cà rốt
– 1 ít hành lá xắt nhuyễn
– dầu ăn.
Cách làm:
– Khoai tây, cà rốt bào thành sợi nhỏ, sau đó xắt nhuyễn lại.
– Hành lá cắt nhỏ.
– Cho toàn bộ các nguyên liệu trên vào tô trộn cùng với 2 quả trứng, khoảng 1 thìa café nước mắm ngon, dùng đũa đánh tan.
– Bắc chảo lên bếp, cho vào chảo 2 thìa café dầu ăn đun nóng với lửa vừa. Khi dầu nóng thì đổ hỗn hợp trứng vào dàn đều, đậy nắp chảo lại rán cho trứng chín vàng một mặt rồi lật sang mặt thứ hai rán cho chín đều (vì rau củ đã được bào mỏng nên mau chín, thời gian rán mỗi mặt khoảng 5 phút là được).
– Khi rán mặt thứ hai nếu dùng chảo không dính có thể không cần thêm chút dầu. Trứng chín cho ra đĩa, cắt thành những miếng nhỏ, cho con tự cầm hay xiên ăn.
19. CANH TRỨNG
Nguyên liệu:
– 1 miếng đậu hũ non nhỏ (2 thìa cơm)
– 1 quả trứng gà, 1 quả cà chua chín
– Hành lá, ngò (rau mùi),
Cách làm:
– Trứng đập ra bát đánh tan. Cà chua rửa sạch xắt hạt lựu thật nhuyễn. Hành lá dùng đoạn đầu trắng xắt nhuyễn để riêng, phần thân hành màu xanh và rau mùi xắt nhuyễn để riêng.
– Bắc nồi lên bếp để lửa vừa, cho vào nồi chút dầu ăn đun nóng rồi cho phần đầu hành vào phi thơm, tiếp theo cho cà chua cùng vào xào, nêm vào ngay sẽ giúp cà mau nhừ hơn. Dùng đũa đảo nhanh tay 1 phút cho cà nhừ, sau đó cho ngay 1 chén nước vào, nấu sôi lên, cho trứng đánh tan vào, nêm lại cho vừa ăn. Cuối cùng cho hành và rau mùi xắt nhuyễn vào chừng nửa phút là tắt bếp.
20. TRỨNG CÚT OM NẤM
Nguyên liệu:
– 10 quả trứng cút
– 50-100 gram nấm rơm
– Sốt cà chua
– Hành lá, nước mắm ngon
Cách làm:
– Trứng cút rửa sạch, luộc qua rồi bóc vỏ, để riêng. Nấm bỏ chân, rửa sạch, thái hạt lựu.
– Bắc chảo lên bếp, cho một ít dầu ăn, cho trứng cút vào rán nhỏ lửa.
– Tới khi vàng đều các mặt thì bỏ trứng ra đĩa.
– Lấy 1 chảo khác đun nóng sốt cà chua, cho thêm một chút nước vào, cho trứng cút vào đun trong khoảng 2 phút. Tiếp tục đổ nấm, đảo nhanh tay 5 phút cho nấm chín (trẻ nhỏ ăn nên nấm cần chín kỹ hơn), cho hành lá thái nhỏ vào đảo đều và tắt bếp.
21. TRỨNG CÚT SỐT CÀ – món ăn cho các bé trên 2 tuổi
Nguyên liệu:
– 10 quả trứng cút (hoặc 20 quả để mẹ và bố cùng ăn)
– 30g sốt cà chua (ít hay nhiều hơn tùy khẩu vị của bé)
– 20g đường
– 10ml giấm (2 thìa cà phê)
– 3 thìa cà phê xì dầu
– Nửa bát con bột mì
Bước 1: Luộc chín trứng cút, cho toàn bộ trứng vào hộp nhựa kín và xóc mạnh tay cho vỏ trứng dập đều. Cách làm này rất nhanh so vơi việc đập dập vỏ từng quả trứng một.
Bước 2: Bóc bỏ sạch vỏ trứng rồi thả trứng vào bát bột mì. Bột khô sẽ bám nhẹ xung quanh lòng trắng trứng còn hơi ẩm.
Bước 3: Đổ nhiều dầu vào chảo, chiên trứng cút (đã lăn bột) cho chín vàng đều. Chuẩn bị sẵn 1/2 bát nhỏ sốt cà chua cho bước sau.
Bước 4: Đun nước sốt cà chua cho nóng, sau đó cho đường và giấm vào đảo cho tan đều là cho trứng cút vào ngay và đảo nhanh tay cho nước sốt bám quanh trứng. Giảm thật nhỏ lửa cho nước sốt không bị khét mùi.
P/s: Trẻ 1,2 hay 3 tuổi vẫn cần ăn rất nhạt so với người lớn, nên mẹ cần nêm nếm thật ít gia vị, chỉ 1 chút nước mắm ngon cho các món ăn mặn.