Những điều cần biết khi cho trẻ uống kháng sinh

Kháng sinh là loại thuốc hạn chế sự sinh sôi, phát triển và tiêu diệt vi khuẩn. Kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi khuẩn chứ KHÔNG tiêu diệt vi-rút (virus). Uống kháng sinh đúng cách, đúng và đủ liều là cần thiết để tránh trẻ bị nhiễm khuẩn và tránh việc vi khuẩn lờn thuốc, kháng thuốc. Như vậy thuốc kháng sinh sẽ không còn tác dụng chữa bệnh. Sau đây là những điều cần biết khi cho trẻ uống kháng sinh.

Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh là con dao hai lưỡi

1. CÁC LOẠI KHÁNG SINH DÙNG ĐƯỢC CHO TRẺ

• Penicillins (Amoxicillin và Penicillins): dùng để điều trị các loại bệnh nhiễm khuẩn đơn giản như viêm tai ngoài, viêm xoang. Loại kháng sinh này không thể tiêu diệt được vi khuẩn gây ra viêm họng liên cầu khuẩn.
• Beta-lactamase inhibitors (Amoxicillin- Clavulanic Acid và Augmentin) thường được kê trong các bệnh phức tạp hơn như viêm tai hoặc cho trẻ có tiền sử bị viêm tai giữa. Loại thuốc này cũng có tác dụng cho bệnh viêm xoang nặng và 1 số loại viêm phổi nhẹ.
• Cephalosporins (Omnicef và Cedax): Thuốc này được kê đơn giống với các loại thuốc trên nhưng trong trường hợp bệnh nặng hơn.
• Macrolides (Zithromax): dùng để điều trị bệnh ho gà, viêm phổi cấp.
• Sulfa drugs (Septra và Bactrim) dùng để điều trị các bệnh như tụ cầu khuẩn hay viêm đường tiết niệu. Tuy nhiên thuốc này có thể gây ra phát ban ở những vùng da trẻ tiếp xúc với ánh mặt trời.

2. CẦN LƯU Ý GÌ KHI DÙNG KHÁNG SINH CHO TRẺ?

lưu ý khi dùng kháng sinh cho trẻ

lưu ý khi dùng kháng sinh cho trẻ

– Không tự ý dùng thuốc cho trẻ vì có thể gây ngộ độc, lờn thuốc. Luôn tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ khi dùng bất kỳ thuốc gì cho trẻ.
– Không tự ý giảm hoặc tăng liều thuốc. Không sử dụng toa cũ, lấy thuốc của trẻ này cho trẻ khác uống.
– Không bóp mũi trẻ, đè đổ thuốc. Giải thích và dỗ dành trẻ nếu trẻ khóc hoặc không chịu uống thuốc.
– Không cho trẻ uống thuốc khi trẻ đang khóc, cười hay đang co giật.
– Không nên cho trẻ uống thuốc lúc bụng đói, nhất là các thuốc giảm đau, kháng viêm như: aspirine, corticoide… để phòng ngừa chứng viêm loét dạ dày.

3. CÁCH LỰA CHỌN DẠNG THUỐC THÍCH HỢP CHO TRẺ

– Đối với trẻ nhỏ, trẻ nhũ nhi: cần chọn dạng thuốc lỏng như: sirô, hỗn dịch, nhũ dịch, các loại thuốc có dạng thuốc bột, thuốc cốm đựng trong gói, khi uống sẽ hòa với nước thành dạng lỏng có mùi thơm, vị ngọt, dễ uống đối với trẻ.
– Đối với những trẻ lớn, thường từ 5 tuổi trở lên, có thể nuốt được viên thuốc: ta có thể cho trẻ uống thuốc dạng viên nén hoặc thuốc hình bao con nhộng. Không nên nghiền nhỏ viên thuốc cho trẻ uống vì có một số loại thuốc chứa dược chất rất đắng, sẽ làm cho trẻ sợ hãi. Điều cần lưu ý nữa là không nên hù dọa, tạo không khí căng thẳng mà cần mềm mỏng, kiên trì thuyết phục khi cho trẻ uống thuốc.
Không pha thuốc vào bất cứ loại nước nào hoặc thức ăn của trẻ. Chỉ nên pha thuốc với nước đun sôi để nguội để đảm bảo đặc tính của thuốc và duy trì hiệu quả điều trị.

4. LIỀU LƯỢNG KHI DÙNG KHÁNG SINH

Liều lượng thuốc kháng sinh cho trẻ uống thường được căn cứ vào cân nặng hoặc tuổi, căn cứ vào cân nặng giúp tính liều chính xác hơn so với căn cứ vào tuổi. Trẻ càng nhỏ thì tác động của việc uống sai hoặc quá liều đến cơ thể càng lớn. Nên dùng kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dừng uống hoặc uống quá liều.

5. TÁC DỤNG PHỤ CỦA KHÁNG SINH

– Phân và nước tiểu bị đổi màu, thông thường chuyển sang màu vàng đỏ. Nhưng các bố mẹ cần phải quan sát rất kỹ, để tránh nhầm lẫn và bỏ qua khả năng có máu trong nước tiểu. Đây là một dấu hiệu nguy hiểm, cần được đưa đi khám và có hướng điều trị kịp thời.

– Dị ứng: Trường hợp nhẹ chỉ nổi mề đay, ban đỏ, ngứa, trường hợp nặng có thể bị sốc phản vệ đưa đến chết người(trường hợp nặng thường do tiêm thuốc). Khi có các dấu hiệu dị ứng với thuốc thì ba mẹ tuyệt đối không dùng thêm thuốc, đưa ngay trẻ đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.

– Bị nhiễm độc: Những cơ quan dễ bị nhiễm độc do kháng sinh là gan, thận (thường do tetracyclin, sulfamid), hệ máu (thường do cloramphenicol, sulfamid), thần kinh thính giác (streptomycin, gentamycin gây điếc), xương răng (tetracyclin làm răng có màu vàng xám vĩnh viễn).

– Loạn khuẩn đường ruột: Các kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng như ampicillin, tetracyclin, cloramphenicol, lincomycin, oleandomycin bằng đường uống. Các thuốc kháng sinh này ngoài việc tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh còn tiêu diệt luôn các vi khuẩn có lợi sống bình thường trong ruột, làm loạn khuẩn đường ruột gây tiêu chảy, gây mất nước nghiêm trọng, làm xuất hiện các bệnh thiếu vitamin.